Hoài Ngọc Gia Trang
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Đường Thi

Go down

Đường Thi Empty Đường Thi

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:26 am

Thơ Đường luật, thường gọi tắt là thơ Đường, là thể thơ từ thời Thịnh Đường đã bổ sung các luật lệ vào thơ cổ phong thành một thể thơ hoàn chỉnh như : niêm, luật, đối, vần, cùng một số quy định khác.

Trong thơ Đường, dù ở loại nào cũng đều có 2 thể : từ thứ 2 của câu đầu nếu là thanh bằng gọi là thể bằng, nếu là thanh trắc thì là thể trắc.

Theo luật thơ Đường thì thơ thể trắc là chính thể, còn thể bằng là biến thể. Nhưng trong thơ Đường Việt Nam thì thể bằng hay thể trắc đều như nhau, tiện thế nào làm thế ấy.

Thơ Đường cần phải có nhịp điệu, nghĩa là phải có tiết tấu trong cách ngắt nhịp để thể hiện nhạc điệu của câu thơ. Trong thơ ngũ ngôn thường dùng nhịp 2/3. Thơ thất ngôn thường dùng nhịp 4/3. Đôi khi cũng có xen kẽ theo nhịp 2/5 lẫn vào 4/3, cũng có trường hợp ngắt nhịp 3/4
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Cấu trúc

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:37 am

Trong thơ Đường thì thể thơ ngũ ngôn và thất ngôn được coi là thể thơ phổ biến nhất. Còn tứ ngôn, lục ngôn rất ít người làm. Về câu thì phổ biến là :

- Thơ 4 câu : gọi là tứ tuyệt, hay tuyệt cú, tức là câu thơ hay tuyệt vời, vì chỉ có 4 câu 20 từ hoặc 28 từ mà nói lên được đầy đủ ý tứ của một đề tài theo đúng luật lệ của thơ Đường

- Thơ 8 câu : thường gọi là bát cú, có nhiều quy định khá chặt chẽ

- Thơ tứ tuyệt trường thiên : gồm các loạt 4 câu một

- Trường thiên : cùng với tứ tuyệt trường thiên gọi chung là Hành, tức thể thơ từ 10 câu trở lên cho đến hàng trăm câu. Trên thực tế thường chỉ 12, 16, 20 câu là làm theo luật thơ đường, còn thì đều làm theo thể cổ phong

1. Bố cục :

- Hai câu đầu, gọi chung là đề. Câu thứ nhất là phá đề, tức là mở ra một cách khái quát về đề tài của bài thơ. Câu thứ hai là thừa đề, nhằm phát triển thêm ý cho đề tài được mở rộng rõ ràng và phong phú hơn

- Hai câu 3, 4 gọi là thích thực, gọi tắt là thực, có nhiệm vụ giải trình cho đề tài rõ hơn về ý, cảnh, tình, sự vật, tính chất, … cốt làm nổi bật đề tài lên. Vì vậy 2 câu này phảI gắn chặt với đề tài. Hai câu này phải đối nhau từng từ và từng ý

- Hai câu 5, 6 gọi là luận, làm nhiệm vụ nhận định bình luận vấn đề có liên quan đến đề tài. Hai câu này cũng phải đối nhau như 2 câu thực

- Câu 7 gọi là câu reo, câu 8 là câu kết, làm nhiệm vụ kết thúc bài thơ. Hai câu này gắn liền với 2 câu đầu, gọi là “hồi cố”, tức là trở lại vấn đề trên và có chiều hướng gợi ra những ý mới làm cho dư âm bài thơ vẫn lắng đọng mãi trong tâm trí người đọc

Thường thì khi viết xong bài thơ, người ta thường kiểm tra lại xem ý bài thơ có gắn kết với nhau không, ý có liên tục từ đầu chí cuối không, vẫn được gọi là “nhất khí” cả về từ lẫn ý. Vì vậy người ta hay lấy 2 câu đầu ghép với 2 câu cuối thành một bài tứ tuyệt, nếu thấy ý chệch choạc không khớp thì bài thơ thành ra “đầu Ngô mình Sở”, không đạt yêu cầu

Một bài thơ hay và lắng đọng được lòng người là nhờ có hồn, thường gọi là thơ có thần, hay thần bút, tức là cây bút có tinh thần chứ không phải thần thánh. Nếu câu thơ đọc lên mà khô khan rời rạc thì không hấp dẫn được người đọc

Tóm lại, một bài thơ hay phải có lời hay ý đẹp mà sâu sắc. Mỗi từ phải là một ý, làm thế nào cho một bài tứ tuyệt thất ngôn gồm 28 thực từ, tức là có 28 ý, và một bài bát cú có 56 từ phải có 56 ý rất cô đọng, gọi là 56 viên ngọc, tránh dùng những từ đệm, hoặc bắu cầu, đưa đẩy như : thì, là, mà, đã … Đương nhiên nếu đã là một “Đường thì đại sư” thì khác, ví như Nguyễn Trãi cùng thường làm thơ phá luật

2. Thử phân tích bài ngũ ngôn bát cú “Nghèo” của Tú Mỡ :

Vạn tội chẳng bằng nghèo
Không tiền cực đủ điều
Họ hàng không kẻ đoái
Bè bạn cóc ai theo
Trò chuyện nghe buồn rứt
Tình duyên cũng nhạt phèo
Xưa nay thằng áo rách
Đến chó cũng không yêu.


Phân tích :

- Câu phá đề : cho ta biết khái niệm về nghèo, không gì khổ bằng tội, mà bao nhiêu tội cũng không khổ bằng tội nghèo
- Câu thừa đề : phát triển cái ý nghèo, nói rõ nghèo là vì không có tiền, mà đã không có tiền thì khổ cực thiếu thốn mọi bề
- Hai câu thực : đối nhau cả về ý và từ, nói rõ hậu quả tồi tệ của cái nghèo dẫn đến họ hàng và bè bạn đều khinh rẻ, xa lánh, để dẫn chứng cho cái nghèo thì khổ như thế nào
- Hai câu luận : đối nhau cả về ý và từ, bình luận về người nghèo thì bị ảnh hưởng như thế nào. Đã nghèo thường bị khinh rẻ, mà đã bị khinh rẻ thì nói còn ai thèm nghe. Còn tình duyên mà không có tiền thì nhạt nhẽo, rồi cũng đến tan rã. Đã qua rồi cái thời lãng mạn “một mái nhà tranh hai quả tim vàng”
- Hai câu kết : thật là chua chát, gọi người áo rách là “thằng”, đồng thời áp dụng câu phương ngôn “chó cắn thằng áo rách”, cả đến chó cũng khinh thằng áo rách, hễ thấy ai mặc áo rách là nó cho là kẻ gian, định vào trộm cắp nên nó cắn để xua đuổi
Bài thơ thật đầy đủ thi tứ, ý nghĩa sâu sắc, là một bài thơ rất đạt yêu cầu


Được sửa bởi ngày Tue Jan 08, 2008 11:43 am; sửa lần 1.
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Cách gieo vần

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:42 am

1. Vần trong thơ Đường rất phức tạp :

Trong quyển “Đường vận tập thành” đời Đường bên Tàu đã chia ra từng bộ gồm 30 bộ vần bình (bằng) và 76 bộ vần trắc, cộng là 106 bộ vần

Trong 30 bộ loại bình lại chia ra 15 bộ đoản bình và 15 bộ trường bình. Còn 76 bộ trắc gồm 29 bộ thượng, 30 bộ khứ, 17 bộ nhập

Sở dĩ chia ra như vậy để các thi nhân mỗi khi làm thơ sẽ gieo vần ở bộ nào thì chỉ được dùng các vần đã quy định trong bộ ấy, không được lấn sang bộ khác, và trong một bộ lại có rất nhiều vần. Qua đó cho thấy thơ Đường được quy định chặt chẽ như thế nào. Tuy nhiên cũng có thuận lợi cho thi nhân là cứ việc giở bộ ra tìm vần, đỡ phải vắt óc suy nghĩ

Đối với thơ Đường ở Việt Nam, ta không theo các bộ phức tạp như thơ Đường, mà căn cứ vào 6 thanh : 2 thanh bằng và 4 thanh trắc.

Trong thơ Đường thì vần chủ (tức vần chính) là vần gieo ở câu đầu. Các vần ở câu sau âm cũng phải giống nhau. Ví dụ, câu đầu gieo vần an thì các vần sau sẽ là bàn, ban, hoàn, san, … Nếu có âm na ná như ăn, lâm, ân, … thì là vần thông (vần phụ), tức là âm thanh hạ xuống một cấp, tiếp đến là lân vận (lân là hàng xóm, tức vần gần giống).

Ví dụ hai câu thơ của Nguyễn Khuyến :

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba


đã hơi khác với vần chính, còn nếu đi xa hơn, khác rất nhiều so với vần chính là cưỡng vận (vần ép), còn nếu khác hẳn với vần chính, nghĩa là không cùng âm, thanh, gọi là lạc vận, không chấp nhận được

2. Thơ Đường thường lấy vần bằng làm vần chính :

Vần trắc ít được dùng, vì không phải vần chính quy, mặt khác nó có vẻ cầu kỳ khó đọc nên ít người làm. Vần trắc phần nhiều chỉ dùng trong thơ cổ phong, vì có thể đặt vào câu nào cũng được theo kiểu vần liền vần cách. Còn trong thơ Đường dùng vần trắc thì cũng giống vần bằng. Ví dụ :

Đầu xuân khai bút lòng hồ hởi
Chúc bạn xa gần nhiều thắng lợi
Thêm tuổi, thêm xuân, mạnh khỏe thêm
Tiến bộ văn minh, làm ăn giỏi


3. Vần ở thơ Đường chỉ đặt ở cuối câu :

- Bát cú : có 5 vần ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8, gọi là 8 câu 5 vần
- Tứ tuyệt : có 3 vần ở cuối các câu 1, 2, 4, gọi là 4 câu 3 vần

4. Có nhiều các gieo vần :

a) Hạn vận : gieo đúng vần đưa ra trong đầu đề

Ví dụ : bài “Không chồng trông bông lông” của Khuyết Danh

Ấy ai phận gái chữ tình không
Ngao ngán vì chưng chửa có chồng
Rồng chửa đủ vây khôn nhảy được
Thuyền còn đợi lái chỉ ngồi trông
Vườn xưa thu quạnh ngô vàng lá
Lầu vắng xuân hờn liễu trắng bông
Cất bút những toan đề chữ gấm
Ngán thay ngọn thỏ đã xơ lông


b) Độc vận : bài thơ chỉ có một vần

Ví dụ : bài “Suông tình” của Lạc Nam

Suông tình vốn dĩ nó là suông
Nhân thế xem chừng ngán chữ suông
Tết nhất không xu, phèo nước lã
Hội hè thiếu chất, nhạt canh suông
Yêu đương “suông” mãi rồi ra chán
Giao dịch “thường” lâu cũng đến suông
Mọi việc trên đời đều thế cả
Không tin thử ngắm mảnh trăng suông.


c) Phỏng vận : theo đề tài muốn gieo vần gì thì gieo

d) Chiết vận (trốn vần) : thiếu vần ở câu đầu, được thay bằng một thanh trắc
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Niêm luật

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:47 am

1. Luật bằng - trắc :

Luật bằng (B) - trắc (T) quy định theo hệ thống ngang của bài thơ, nghĩa là các thanh bằng và trắc theo quy định, nhất thiết phải theo đúng, nếu bố trí sai âm thanh mà không rơi vào ngoại lệ là thất luật. Đặc biệt chú ý ở các từ 2, 4 ở thơ ngũ ngôn và 2, 4, 6 ở thơ thất ngôn (gọi là Nhị Tứ phân minh, hay Nhị Tứ Lục phân minh)

Ngoại lệ : các từ 1, 3 ở thơ ngũ ngôn và các từ 1, 3, 5 ở thơ thất ngôn có thể tùy ý dùng thanh (gọi là Nhất Tam bất luận, hay Nhất Tam Ngũ bất luận)

Bảng luật bằng - trắc :

a) Thơ ngũ ngôn bát cú, thể bằng :

B B T T B - Hài văn vừa lạc bước (chiết vận)
T T T B B - Khách tục phải dừng chân
T T B B T - Non nước in màu ngọc
B B T T B - Cỏ hoa vắng bụi trần
B B B T T - Êm đềm nhưng diễm ảo
T T T B B - Giản dị mà thanh tân
T T B B T - Cảnh đẹp người đâu tá ?
B B T T B - Nào ai đó chủ nhân ?


b) Thơ ngũ ngôn bát cú, thể trắc :

T T T B B - Hỏi bạn sao dừng bước (chiết vận)
B B T T B - Tìm hoa há chậm chân
B B B T T - Nửa mơ màng đỉnh giáp
T T T B B - Nửa luyến tiếc dương trần
T T B B T - Phải chốn đây tiên cảnh
B B T T B - Nào ai đó khách tân ?
B B B T T - Đưa đường vào cửa động
T T T B B - Hoa sứ ấy giai nhân


c) Thơ thất ngôn bát cú, thể bằng :

B B T T T B B - Nhàn du tiện nẻo viếng Côn Sơn
T T B B T T B - Hứng bút phong tao bổng mộng hồn
T T B B B T T - Nước biếc non xanh hình gợi cảm
B B T T T B B - Am mây kỷ đá dẫu khơi buồn
B B T T B B T - Linh Từ, Ngũ Nhạc mây lơ lững
T T B B T T B - Bích Động, Thanh Hư gió dập dờn
T T B B B T T - Nhớ đấng trung trinh lòng khắc khoải
B B T T T B B - Ngàn thông ngả bóng lộng hoàng hôn


d) Thơ thất ngôn bát cú, thể trắc :

T T B B T T B - Đã bấy lâu nay bác tới nhà
B B T T T B B - Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
B B T T B B T - Ao sâu nước cả khôn chài cá
T T B B T T B - Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
T T B B B T T - Cải chửa ra cây, cà mới nụ
B B T T T B B - Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
B B T T B B T - Đầu trò tiếp khách trầu không có
T T B B T T B - Bác đến chơi đây, ta với ta


2. Niêm :

Niêm nghĩa là dính, tức là sự gắn bó chặt chẽ với nhau về âm luật giữa các câu văn theo hệ thống dọc trong cả bài thơ, ở các từ 2, 4 đối với thơ ngũ ngôn và các từ 2, 4, 6 đối với thơ thất ngôn của mỗi câu theo từng đôi một, bằng với bằng, trắc với trắc theo công thức nhất định sau :

Nhất - Bát ------- Nhị - Tam

Tứ - Ngũ ------- Lục - Thất

hoặc thơ tứ tuyệt thì Nhất - Tứ ------- Nhị - Tam

3. Quan hệ về niêm luật giữa thơ ngũ ngôn và thơ thất ngôn :

Trong thơ Đường đa số chỉ thường chú ý đến thơ thất ngôn mà ít chú ý đến thơ ngũ ngôn, cho nên thơ ngũ ngôn thường sai niêm luật

Nhưng nếu chú ý quan sát kỹ và so sánh 2 bảng niêm luật thơ ngũ ngôn với thơ thất ngôn sẽ thấy chúng cũng theo cùng một nguyên tắc chứ không có gì khác. Thật vậy, nếu ta đem bảng niêm luật bài thơ thất ngôn thể bằng ta cắt bỏ 2 từ đầu sẽ có được bảng niêm luật bài thơ ngũ ngôn thể trắc, và ngược lại

Tuy nhiên, chỉ những bài thơ thật đúng niêm luật, không áp dụng các ngoại lệ, mới cắt ra được. Sau đây là bài ví dụ :

Bài thất ngôn :

Đón gió nhung tơ mịn cánh hồng
Đua cười ngào ngạt bưởi khoe bông
Dạt dào tứ mới dềnh hương bút
Rạo rực đêm mơ rộn phím lòng
Mở nhụy lan bừng thơm tịnh cốc
Lánh đời mai rộ ngát cao phong
Bạt ngàn xanh biếc màu hy vọng
Ngây ngất uyên ương ấm động phòng


Bài ngũ ngôn :

Nhung tơ mịn cánh hồng
Ngào ngạt bưởi khoe bông
Tứ mới dềnh hương bút
Đêm mơ rộn phím lòng
Lan bừng thơm tịnh cốc
Mai rộ ngát cao phong
Xanh biếc màu hy vọng
Uyên ương ấm động phòng
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Đối

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:52 am

Trong thơ Đường, đối là một nguyên tắc bắt buộc. Thường có 2 cặp đối thực, luận, nhưng trong trường hợp chiết vận thì thêm 2 câu đề. Đối trong thơ Đường rất chặt chẽ, bắt buộc phải cân xứng cả thanh lẫn ý

1. Đối thanh :

- Các từ đối nhau phải cùng loại : động từ với động từ, danh từ với danh từ, tên riêng với tên riêng, nôm với nôm, tự với tự, …

- Phải đảm bảo đối đúng bằng trắc, tức thanh bằng đối với thanh trắc, thanh trắc đối với thanh bằng. Ví dụ : hương - sắc, Hà Nội - Hải Phòng, phong hoa - tuyết nguyệt, …

2. Đối ý :

Trong thơ Đường, thanh thường phải đi đôi với ý, cho nên khi tìm thanh là phải chú ý luôn đến ý.

Nếu gặp trường hợp đặc biệt, cần giữ ý thì có thể hy sinh từ, trường hợp này có thể đối từ loại nọ với từ loại kia. Ví dụ :

Nguyệt vịnh hoa đề khi hứng vận
Trà dư tửu hậu lúc lương thời


Vịnh, đề mà đối với dư, hậu thực ra chưa được cân lắm, hứng vận với lương thời cũng vậy, nhưng cũng tạm coi là được. Trường hợp này gọi là đối lệch, tức không được cân giữa thanh và ý.
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Các khuyết tật nên tránh

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:53 am

Trong luật thơ Đường có quy định các dạng khuyết tật sau :

1. Dùng quá nhiều hư từ

2. Điệp từ : tức là một từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần không cần thiết

3. Điệp ý : là nhắc đi nhắc lại một ý đã nói

4. Điệp vận : trong thơ Đường phải đảm bảo đủ vần, nếu đặt 2 vần giống nhau thì gọi là điệp vận, tức trùng vần. Có trường hợp tuy giống vần nhưng khác ý thì trong trường hợp không thể thay được vần khác thì cũng có thể chấp nhận được

5. Phong yêu : là bệnh điệp âm ở 2 từ trong 1 câu thơ, tức từ 2 điệp âm với từ 6, từ 4 điệp âm với từ 7

6. Hạc tất : tức một câu thơ bị ngắt làm 3 đoạn. Những câu thơ 3 nhịp đọc lên nghe không thoát bằng những câu 2 nhịp

7. Bình đầu : là khuyết tật do sơ ý trong lúc bố trí từ cho 2 cặp thực, luận nên để 4 từ đầu của 2 câu thực giống 4 từ đầu của 2 câu luận về mặt ngữ pháp

8. Tịnh cước : tịnh là cùng như nhau, cước là chân, nghĩa là chân giống nhau, đây là khuyết tật rơi vào 3 từ cuối của 2 câu luận và 2 câu thực giống nhau về mặt ngữ pháp. Tịnh cước cũng như bình đầu, về mặt kỹ thuật thơ không cho phép viết như thế

9. Mạ đề : mạ là mắng, đề là đề tài. Theo nguyên tắc chặt chẽ thì nếu đề tài đã dùng những từ gì thì từ câu 3 đến câu 8 của bài bát cú không được nói đến những từ ấy

Ví dụ bài “Mây” mà trong cả bài thơ từ đầu đến cuối không cần nhắc đến từ mây mà vẫn tả rõ được đề tài :

Lơ lững ngang trời năm vẻ xinh
Không hàng không lối, chẳng ra hình
Khi hồng tươi sắc, khi xanh biếc
Lúc xám xịt màu, lúc trắng tinh
Dan díu cùng mưa mà hóa tục
Cặp kè với chó lại nên tranh (1)
Đùng đùng dở mặt gieo giông tố
Khiến khách mơ màng cũng thất kinh


# (1) Bức tranh vân cẩu
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Chuẩn bị cho một bài thơ ra đời

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 11:56 am

1. Đề tài :

Trước hết phải có đề tài, hoặc nếu đã có đề tài rồi thì phải nghiên cứu kỹ xem yêu cầu nội dung của đề tài đòi hỏi thế nào. Ví dụ : đề tài “Phong cảnh Tây Hồ” rộng rãi hơn đề tài “Bình minh Tây Hồ”. Cần tìm ra những nét đặc trưng cho đề tài để dự kiến sẵn ý và từ cho thích hợp

2. Cấu tứ

- Tứ thơ : tất cả những âm thanh, hương sắc, hình ảnh, … mới lạ, do sức tưởng tượng của nhà thơ tạo nên, gây được cảm xúc và rung động, hào hứng cho người đọc và người nghe, Hán tự viết “Yên sĩ phi lý thuần”

- Cấu tứ : khi đã hình dung ra tứ thơ rồi thì bắt đầu dựng ý, tức là tìm những từ ngữ mớI, đượm chất thơ, có liên quan đến tứ, ghép lại với nhau để thể hiện tứ thơ đã tìm được, cốt sao đưa được cái hồn vào từng câu thơ, từng đoạn của mỗi câu thơ. Cần có óc sáng tạo, chịu khó tìm tòi, tránh dùng những từ hoặc ý sáo mòn thì mới có thơ hay, hấp dẫn người đọc

Ví dụ : trong bài “Nam Hành biệt đệ” của Vi Thừa Khánh có tứ thơ độc đáo là hoa rụng rơi xuống đất không một tiếng động vì hoa cũng mang hận chung với người

Đạm đạm trường giang thủy
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh


Phỏng dịch :

Bâng khuâng tình dặm thẳm
Lờ lững nước sông dài
Hoa cũng cùng chia hận
Lìa cây chẳng một lời


3. Bố cục :

Ví dụ tả Hồ Gươm

- mở đầu cần hé ra hoặc nói thẳng vào đầu đề, ví dụ như xuất xứ hoặc vị trí của hồ về mặt văn hóa chính trị, ... làm thế nào để cho độc giả mới thoáng câu đầu đã biết ngay mình định nói gì. Sang câu 2 nói rõ hơn để người ta có thể khẳng định mình tả Hồ Gươm
- 2 câu thực đưa những nét nói trên vào để khẳng định đây là Hồ Gươm chứ không phải là hồ nào khác
- 2 câu luận có thể tiếp tục đưa những nét trên vào, cộng thêm ý kiến bình luận
- 2 câu kết viết thế nào để đưa người đọc đến những cảm giác, những suy nghĩ sâu lắng, ...

Sau đây là bài "Dạo Hồ Gươm cảm tác" của Lạc Nam

Một trong những thú ở thành đô
Là lúc thong dong dạo kiếm hồ
Tháp Bút vươn nhìn sao lấp lánh
Đài Nghiên lặng ngắm sóng lô nhô
Kìa đền Ngọc đẹp cầu đưa tới
Nọ Tháp Rùa xinh gió lộng vô
Nước biếc trăng xanh, hương sắc cũ
Nghìn năm thanh lịch tạo dư đồ


4. Chọn vần :

Vần phải bố trí xen kẽ giữa thanh bình cao (thanh ngang) và thanh bình thấp (thanh huyền) để cho bài thơ có nhạc. Vần phải viết cho thoát thì thơ mới hay, nếu để ép vần thì thơ kém chất lượng

Ví dụ bài "Nghe chim hót" của Xuân Tuế

Bổng trầm tựa nhạc bay
Ríu rít hót thâu ngày
Hoàng yến lông vàng óng
Vui tai, đẹp mắt thay


5. Lưu ý :

Khi đặt các câu thực và luận, nên ưu tiên cho câu có vần trước, vì vần khó thay đổi, nếu câu có vần mà xuôi rồi thì câu trên dễ đặt hơn
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Họa thơ

Bài gửi  gianghoaingoc Tue Jan 08, 2008 12:01 pm

1. Họa thơ :

Họa thơ tức là làm một bài thơ để đáp lại một bài của người khác gửi cho mình theo đúng ý của đề tài hoặc phản lại ý của đề tài, nhưng phải đảm bảo giữ đúng nguyên vần như bài xướng. Bài đáp lại gọi là bài họa. Loại này cũng thuộc loại hạn vận (cho vần trước)

2. Họa nguyên vận :

Trước hết là phải theo đúng vần của bài xướng, không được tự ý đưa vần khác vào. Ngoài ra, từ thứ 6 của các câu 1,2,4 (tứ tuyệt) hoặc 1,2,4,6,8 (bát cú) tức là các câu có vần không được trùng với bài xướng

Cách họa : phải xem các vần trong bài xướng có những vần nào khó họa thì phải tìm vần trước, nếu không có vần đáp ứng được thì phải chuyển thể thơ (thể bằng - thể trắc) cho hợp với vần đã chọn trước

Ví dụ bài "Trọn vẹn" (Mừng Tú Mỡ 70 tuổi, 23-5-1969) của Lạc Nam thuộc thể bằng

Xuân nay bác Tú bảy mươi tròn
Ăn vẫn "thều thào", ngủ vẫn ngon
Vẫn rít điếu cày dòn tách tách
Vẫn dong xe đạp lướt bon bon
Văn chương một gánh tròn duyên nợ
Kháng chiến hai kỳ vẹn sắc son
Ước nguyện bình sinh rày đã thỏa
"Cổ lai hy" ấy sướng bằng "Tơn"


Nhà thơ Tú Mỡ đã chuyển sang thể trắc để họa cho xuôi

Con cháu ba vuông với bảy tròn
Tuổi già ngủ kỹ lại ăn ngon
Điền viên có nghỉ nhưng chưa rỗi
Danh lợi không chen cũng chẳng bon
Ngòi bút tuy hơi mòn chất sắt
Nàng thơ vẫn cứ giữ lòng son
Chỉ hiềm mẹ đĩ quy tiên mất
Nên cảnh "Tơn" mà chẳng vẹn "Tơn"


3. Họa bộ vận :

Bộ vận tức là mượn vần hoặc nương vần, nghĩa là lấy đúng vần bài xướng nhưng nói về đề tài khác chứ không theo đúng ý của bài xướng

Ví dụ bài xướng "Xuân cảm tác" của Tuyết Ngọc

Hoa thêu lối mộng đón Đông hoàng
Ríu rít ven trời én vội sang
Bướm trắng đòi thơ bên viện sách
Trà thơm tiếp bạn ngát đài trang
Khơi trầm, trinh nữ nghiêng tay ngọc
Trải lụa, thi nhân uốn nét vàng
Vạn vật bồng bềnh trong diễm ảnh
Đường xuân vó ngựa dạo mênh mang


Bài họa "Cảm nghĩ về Tết năm nay" của Lạc Nam

Năm nay tết nhất khá đàng hoàng
Phố xá tràn đầy đủ thứ sang
Bánh mứt rượu trà ngon, lịch sự
Kẹo hoa tranh pháo đẹp, khang trang
Hàng Tàu, hàng Thái, kèm Tây Nhật
Đồ mặc, đồ chơi, cả bạc vàng
Nội hóa cần vươn theo kịp ngoại
Sao cho khỏi thẹn với tên mang.


4. Họa nghịch vận :

Tức là không theo thứ tự vần trên xuống mà bố trí vần theo thứ tự ngược lại.

Ví dụ bài xướng "Tự sự" của Lạc Nam

Trai út giờ đây đứng số rồi
Luồn kim se chỉ đã dành nơi
Năm chờ tháng đợi không nao núng
Một nhớ hai thương chẳng đổi rời
Chung khóa chung ngành duyên hợp nhất
Hợp tình hợp ý đũa chung đôi
Mậu Thìn tháng chạp mừng hôn lễ
Thắm vận thơ hoa, thắm thiếp mời


Bài họa "Cảm ơn" của Hoài Phương

Cảm ơn hai bác có lời mời
Hôn lễ Thăng Hòa đẹp lứa đôi
Tiếc nỗi đường xa, thân chẳng khỏe
Ngặt vì con vắng, cháu không rời
Muốn lên nhà Bác đi chưa được
Đành họa bài thơ gửi tới nơi
Chúc bạn đón mừng xuân Kỷ Tỵ
Thêm nàng dâu mới, rất vui rồi


5. Họa tục vận :

Tức là đã xướng và họa một lần rồi, nay lại viết tiếp bài thơ khác cùng vần với bài trước

Ví dụ bài xướng tục vận bài trên của Lạc Nam

Mừng cưới con trai đạt giấy mời
Những mong đón bạn đủ từng đôi
Chừng e trời xấu mây đen kịt
Hay ngại đường xa cẳng mỏi rời
Thơ phú chan hòa dành có chỗ
Tiệc tùng thân mật chắc tùy nơi
Hẳn Rồng ngại đến nhà Tôm nhỉ
Sai mấy vần đi cũng đủ rồi


Bài họa tiếp theo của Hoài Phương

Khi thân chẳng lọ phải cầu mời
Gió bắt mưa cầm, hóa nước đôi
"Sai mấy vần đi" tình vốn đẹp
Nghĩ hai bài họa ý khôn rời
"Rồng" còn cuộn gió tung muôn nẻo
"Tôm" chẳng có mình búng một nơi
Hàn mặc những mong ngày tái ngộ
Vài câu "mát mẻ" đủ vui rồi.


6. Họa loạn vận :

Tức là họa cũng đủ 5 vần như bài xướng nhưng vần bố trí lung tung, không theo thứ tự trên dưới như bài xướng

Ví dụ bài xướng "Đêm xuân cảm tác" của Hoài Phương

Đêm dài văng vẳng tiếng meo meo
Não nuột như than cuộc sống nghèo
Mái liếp mưa xuân rơi tí tách
Cành dâu lá úa rụng bay vèo
Ngâm vần thơ cổ hồn man mác
Nhắp chén trà ôi miệng nhạt phèo
Mở cửa trông trời mau ửng sáng
Bốn bề mù mịt cảnh buồn teo


Bài họa "Ngày hè mong bạn" của Lạc Nam

Nồng nực, Phong Tao khách vắng teo
Phải đâu rằng bạn nỡ chê nghèo
Đây dòng tâm sự chưa tròn chữ
Nọ gói trà hương đã chớm meo
Rượu thiếu tri âm, quên nhấm nháp
Thuốc không đồng điệu ngại phì phèo
Trông làn mây bạc lòng man mác
Ngày tháng thoi đưa bóng ngựa vèo.


7. Đôi điều cần lưu ý khi xướng họa thơ :

Không nên dùng những vần oái oăm hóc búa hoặc những vần độc nhất, không thể họa khác được ngoài việc dùng vần của bài xướng (thường gọi là tử vận, tức vần chết) cốt để khoe tài hoặc để thách thức bạn bè. Ví dụ như đoạn sau :

Vật liệu bao ngày cố chắt chiu
Ba giăng hì hục sớm, trưa, chiều
Luôn tay ký cách con cùng bố
Tự tạo nên lầu khá phẳng phiu


Thơ mình viết mong bạn hòa cho vui mà lại gieo vần như trên thì ai họa được, thảng hoặc có họa được thì cũng chẳng hay ho gì. Vì vậy chỉ nên gieo những vần thông thường, nhẹ nhàng thanh thoát để bạn có thể họa được thoải mái và mình mới có thể đọc được những bài họa hay
gianghoaingoc
gianghoaingoc
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 261
Registration date : 22/12/2007

http://hoaingoc.cloud.prohosting.com

Về Đầu Trang Go down

Đường Thi Empty Re: Đường Thi

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết